Có một tình yêu văn hóa tre luồng Việt

Rất nhiều bạn bè thích thú khi đến không gian văn hóa tre luồng Việt.

Nhiều người đã thắc mắc tại sao Nguyễn Hữu Ngôn lại có mặt ở sân chơi này, vì anh không mang họ Lê. Nhưng hẳn anh chẳng bao giờ phiền lòng, vì chỗ nào anh thích, anh được trân trọng thì anh tham gia thôi. Chứ tôi biết, tham gia chỗ nào anh cũng mất không ít tiền, chỉ vì cái chất chơi của một nghệ sĩ amateur như anh.

Là một người yêu những gì mộc mạc như cây tre, cây luồng quê mình, chính vì thế ngay từ khi ông Lê Văn Tam có ý định làm công viên sinh thái, anh đã “xin” tham dự, góp phần nhỏ vào ý tưởng du lịch sinh thái trong nông nghiệp, vui chơi giải trí, giáo dục, tâm linh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều anh lo âu là trong khi làng nghề Đoan Vỹ - Thái Hòa (Hoằng Thịnh - Hoằng Hóa) quê anh hàng năm xuất những sản phẩm mây tre đan sang Mỹ rất nhiều thì người Việt Nam hiện nay lại hướng đến những sản phẩm từ nhựa, thậm chí inox. Cái lo âu về sự thay đổi thói quen của con người ở một đất nước nông nghiệp mà sẵn sàng quay lưng lại với nông nghiệp. Với anh việc dùng tre luồng không chỉ là lưu dấu một thời đẹp tươi của quá khứ, ở đó còn là sự giữ gìn văn hóa cha ông, là sự thân thiện với môi trường hiện đại. Nhưng hơn hết là giữ gìn các làng nghề truyền thống. Nếu chúng ta không có trách nhiệm với sản phẩm quê hương mình, chả  nhẽ cứ phải chờ trách nhiệm của những người cách chúng ta cả nửa vòng trái đất?

Chính những ý nghĩ ấy đã giúp anh có ý thức lưu giữ, gom nhặt cả vài chục năm nay để có được những sản phẩm nông cụ của cả người miền núi và miền xuôi. Đó là những đồ đựng thức ăn, dụng cụ săn bắt của người miền núi, là công cụ đánh bắt của miền xuôi như nơm, dặm, bàn cào, cày cuốc, cối xay lúa... Dù trong phần ký ức của tôi có một góc nhỏ những cái quang gánh của mẹ, những cái cối xay lúa của bà... nhưng quả thật, đến với góc nhỏ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn cảm giác thật gần gũi và ấm áp. Cái sự ấm áp ấy xuất phát từ chính những sản phẩm tre luồng, và cả những gì mà chủ nhân của nó sưu tầm cất giữ.

Tôi cũng biết, rất nhiều người cười chê sự tủn mủn của anh. Trong khi người ta đang quan tâm đến cái ôtô nào đẹp, giá bao nhiêu thì đi đâu, làm gì anh cũng ngó trước nhìn sau xem có thể mua lại mấy cái gọi là chổi cùn rẻ rách mang về bổ sung vào bộ sưu tập. Nếu có ai đó tặng anh một cái mẹt, cái giỏ đồ xôi anh vui lắm, và lại tư duy xem về phải bày biện ở đâu. Tôi trân trọng con người văn hóa nơi anh. Bởi có biết bao người giàu có về vật chất nhưng chẳng thể hiểu chút ít văn hóa truyền thống quê mình, làng mình. Còn anh, lọc cọc chiếc xe máy, tay ngoắc chiếc máy ảnh, lăng xăng chụp choẹt mọi góc mọi nơi, tìm hiểu những con người xứ Thanh và văn hóa xứ Thanh. Điều đó phần nào giúp tôi hiểu rằng, cuộc đời này có lẽ cái vô tận nhất là văn hóa sống và trải nghiệm.

Từ chính anh, Không gian Văn hóa tre luồng Việt - góc nhỏ trong công viên sinh thái tre luồng đã cất lên tiếng nói,  hơi thở đẹp và thơm mùi quê hương.

Đối tác

  • Hội viên liên kết
  • đối tác 3
  • Ngân hàng bảo lãnh
  • Tư vấn Xây dựng chuyên nghiệp
  • HƯNG THỊNH INCONS
  • Hung Thinh Land
  • Hung Thinh Corp