Trang chủ / Phương hướng hoạt động

Phương hướng hoạt động

BÁO CÁO QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI TRE LUỒNG TỈNH THANH HÓA KHÓA I, NHIỆM KỲ 2019-2024
  1. Quá trình thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 152 nghìn hécta, tập trung tại các huyện nghèo ở miền núi phía Tây của tỉnh. Hàng năm sản lượng khai thác tre luồng các loại khoảng 94 triệu cây. Thu nhập từ tre luồng chiếm hơn 50% tổng thu nhập của người dân, thậm chí một số nơi chiếm đến 70-80%. Vì vậy, tre luồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh, xã hội của người dân vùng núi tỉnh Thanh Hóa và được xem là loài cây xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 126 doanh nghiệp, cơ sở chế biến tre luồng, hộ kinh doanh cá thể. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa; sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, công tác phát triển tre luồng đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm từ tre luồng còn có giá trị thấp, chủ yếu là sản phẩm thô, bán thành phẩm; các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tre luồng nhìn chung có quy mô nhỏ lẻ, năng lực sản xuất yếu, hoạt động chưa có sự liên kết…, nên chưa mang lại bước đột phá về kinh tế - xã hội, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh tre luồng của tỉnh Thanh Hóa.

Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa được thành lập sẽ tập hợp, đoàn kết hội viên là những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh tre luồng; đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa giao làm chủ đầu tư xây dựng Công viên sinh thái tre luồng và nhà máy tre ép khối với công xuất 100.000 m3/năm; đồng thời giao cho Công ty quan hệ hợp tác với các huyện, các xã và các địa phương phục tráng và phát triển tre luồng theo kế hoạch phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2030; Công ty được các huyện trọng điểm tre luồng, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất và kinh doanh tre luồng thống nhất đề nghị Công ty làm đầu mối và hoàn tất các thủ tục trình các sở ban ngành, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật.

Xuất phát từ yêu cầu đó, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở ban ngành, các huyện trọng điểm về tre luồng, sự nhiệt tình ủng hộ của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến tre luồng và các hộ cá nhân, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã tích cực tập hợp hội viện và đề nghị thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội tre luồng Thanh Hóa. Ngày 13/6/2019, Giám đốc Sở Công Thương đã có quyết định số 502 /QĐ-SCT về việc công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa gồm 19 thành viên, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Lasuco làm trưởng Ban vận động.

Ban vận động đã hoàn tất các trình tự hồ sơ theo quy định của pháp luật nộp về Bộ phận hành chính công tỉnh Thanh Hóa và Sở Nội vụ vào ngày 10/7/2019.

Xét đơn đề nghị của Ban vận động thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa và các hồ sơ kèm theo. Ngày 16/7/2019 Giám đốc Sở Nội vụ đã có tờ trình số 357/TTr-SNV đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa; Trên cơ sở đó ngày 19/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 2869 /QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa. Ngày 09/9/2019 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn số 1379 CV/TU về việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa, khóa I, nhiệm kỳ 2019-2024.

 Sau khi có quyết định, Ban vận động thành lập Hiệp hội đã tổ chức họp để phân công nhiệm vụ, hoàn tất hồ sơ và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đại hội.. Mặc dù các đồng chí trong Ban vận động rất bận rộn, nhiều công việc nhưng đều là những người có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết cao với Hiệp hội, do vậy hồ sơ tài liệu đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định.

Trong quá trình vận động các doanh nghiệp, HTX, các hộ trồng và kinh doanh luồng, cá nhân tham gia hiệp hội, Ban vận động gặp không ít những khó khăn, do nhận thức của một số người chưa đầy đủ, chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiệp hội, nhưng với sự nhiệt tình, nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Trưởng ban, các phó ban; từ đó các doanh nghiệp, HTX, các hộ trồng và kinh doanh tre luồng, cá nhân đã tự nguyện tham gia rất tích cực. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ của Ban vận động Hiệp hội, tại thời điểm đại hội đã có gần 100 doanh nghiệp, HTX các hộ trồng và kinh doanh tre luồng, cá nhân tham gia thành lập Hiệp hội.

  1. Phương hướng hoạt động của Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa khóa I, nhiệm kỳ 2019-2024

Cứ vào Điều lệ của Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa, với mục đích tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất và xây dựng thương hiệu, góp phần vào việc phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường bền vững, phương hướng hoạt động của Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa trong nhiệm kỳ đầu tiên (2019-2024) tập trung vào các nội dung sau đây:

1. Xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên

1.1. Xây dựng tổ chức Hiệp hội:

- Tổ chức Đại hội, bầu Ban Chấp hành, ban Thường vụ, ban Kiểm tra, Tổng thư ký của Hiệp hội; Xây dựng quy chế làm việc của Ban chấp hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chấp hành; Nghiên cứu thành lập các Chi hội ở cơ sở, các Ban chuyên môn phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ của Hiệp hội;

 - Hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Điều lệ của Hiệp hội;

- Chuẩn bị các điều kiện thành lập văn phòng làm việc của Hiệp hội; hoàn thành các thủ tục mở tài khoản, làm con dấu cho Hiệp hội.

  1.2,  Phát triển Hiệp hội và hội viên

 - Xem xét điều kiện cụ thể và tình hình thực tế, Hiệp hội xúc tiến thành lập các chi hội theo địa bàn, loại hình và ngành nghề sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển vững mạnh.

    - Tích cực tuyên truyền Điều lệ Hiệp hội, vận động hội viên mới tham gia Hiệp hội trong thời gian tới.

   - Xây dựng biểu tượng và phát thẻ cho các hội viên tham gia Hiệp hội

2. Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các hội viên

- Tập hợp, hệ thống hóa, số hóa và cung cấp các văn bản pháp quy hiện hành trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tre luồng cho các hội viên; Cập nhật những văn bản pháp quy mới giúp cho các hội viên tham khảo để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo đúng luật định pháp luật.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cung cấp các thông tin kinh tế-kỹ thuật có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh tre luồng trong và ngoài nước cho các hội viên.Thành lập trang thông tin điện tử (website) cho Hiệp hội.

- Tập hợp đội ngũ chuyên gia am hiểu pháp luật, quản lý và công nghệ, kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh tre luồng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc của hội viên.

- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề và cấp giấy chứng nhận hành nghề cho hội viên theo quy định.

- Tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao hiểu biết về quản lý sản xuất, công nghệ, thị trường trong lĩnh vực tre luồng cho hôi viên.

- Tổ chức và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tre luồng, nghiên cứu khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, tìm hiểu và phổ biến công nghệ và sản phẩm mới trong lĩnh vực tre luồng.

- Đấu mối và tổ chức để tham gia triển lãm, hội chợ, tham quan học tập, xúc tiến thương mại đầu tư trong nước và nước ngoài.

3. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tre luồng.

- Đại diện cho các hội viên, Hiệp hội là đầu mối trong việc quan hệ với sở ban ngành địa phương và các cơ quan trung ương để giải quyết những vấn đề mà hội viên yêu cầu, liên quan đến trồng, sản xuất chế biến, kinh doanh tre luồng.

- Kết hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn hội viên sản xuất kinh doanh tre luồng theo đúng quy định hiện hành và đồng thời phối hợp chấn chỉnh kịp thời hoạt động của hội viên sai phạm quy định pháp luật.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và các hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung và làm đầu mối trong việc hòa giải trong nội bộ Hiệp hội.

- Tập hợp ý kiến hội viên, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển ngành tre luồng của tỉnh và các vấn đề liên quan đến sự phát triển Hiệp hội.

4. Xây dựng mối quan hệ, hợp tác trong và ngoài nước.

- Tìm hiểu chức năng nhiệm vụ và kinh nghiệm hoạt động của Hiệp hội tre luồng thế giới và các nước trong khu vực để hoàn thiện phương thức hoạt động cho Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa và phối hợp hoạt động.

- Tổ chức các chuyến công tác, tham quan, tham gia hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn cho các hội viên về các lĩnh vực có liên quan do nước ngoài tổ chức; Mời các chuyên gia đầu ngành đầu ngành quản lý sản xuất kinh doanh, công nghệ kỹ thuật về tre luồng của nước ngoài trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tập huấn cho hội viện tại Thanh Hóa hoặc nước ngoài.

- Thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài, tiến hành khảo sát, hợp tác xây dựng các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực tre luồng.

5. Hoạt động gây quỹ cho Hiệp hội

- Thu Hội phí của Hội viên

- Tổ chức hoạt động gây quỹ, thu phí từ các hoạt động do hội tổ chức

-Thu phí từ nguồn quảng cáo trên trang web

- Kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, các chương trình dự án trong và ngoài nước.

III. Kế hoạch hoạt động cụ thể năm 2020

  1. Tập trung triển khai công tác trồng, chăm sóc, thâm canh, xây dựng vườn ươm giống tre luồng nhằm tạo mẫu hình mới, sau 5 năm đưa vị thế của cây tre luồng lên tầm cao mới.
  2. Du nhập, xây dựng vườn ươm giống nuôi cấy mô để phát triển giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, tạo vườn thâm canh cao để tạo hình mẫu đạt giá trị kinh tế cao.
  3. Thúc đẩy công nghiệp chế biến tre luồng để nâng giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập và lợi ích cho nông dân. Xây dựng chuỗi liên kết từ người trồng luồng, sản xuất chế biến gắn với thị trường tiêu thụ.
  4. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế.
  5. Xây dựng và đề xuất hệ thống chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng luồng và kinh doanh luồng.

Trên đây là báo cáo quá trình thành lập Hiệp hội và phương hướng hoạt động của Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa khóa I, nhiệm kỳ 2019-2024 trình Đại hội.

 

Nơi nhận:

- UBND tỉnh (B/cáo);

- Sở Công Thương;

- Sở Nội Vụ;

- Lưu VPHH.

TM. BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI

                     CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Đối tác

  • Hội viên liên kết
  • đối tác 3
  • Ngân hàng bảo lãnh
  • Tư vấn Xây dựng chuyên nghiệp
  • HƯNG THỊNH INCONS
  • Hung Thinh Land
  • Hung Thinh Corp